Một số điều cần biết về rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tâm lý phức tạp hình thành nên chế độ/ thói quen ăn uống không lành mạnh. Tình trạng này thường xảy ra đối với phái nữ (bắt đầu hình thành ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên), nhưng phái nam cũng không ngoại lệ. Một số dấu hiệu nhận biết thường gặp bao gồm sự ám ảnh về số calo trong thức ăn, cân nặng, hay hình thể mong muốn. Việc tìm hiểu về rối loạn ăn uống sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và sự hiểu biết để có thể nhận biết và hỗ trợ kịp thời những người cần giúp đỡ. Hãy cùng bắt đầu nhé.
Ăn uống rối loạn và Chứng rối loạn ăn uống
Khi một cá nhân thường xuyên thực hiện những hành vi hoặc thói quen ăn uống bất thường, họ đang gặp tình trạng ăn uống rối loạn. Bạn lưu ý phân biết với những trường hợp tránh ăn hoặc có chế độ ăn đặc biệt được chỉ định do dị ứng hay các lý do về sức khỏe khác. Thông thường, những người bị ăn uống rối loạn muốn tập trung vào cân nặng và lượng calo tiêu thụ để quên đi sự bất ổn về cảm xúc của họ (cảm thấy bản thân chưa đủ tốt). Họ nghĩ rằng việc đạt được cân nặng mình muốn sẽ khiến họ hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cũng bởi cảm xúc bất ổn, ngay khi đạt được mục tiêu, cân nặng mong muốn sẽ lại được điều chỉnh xuống thấp hơn. Việc này có thể diễn biến thành chứng rối loạn ăn uống.
Nguyên nhân của bệnh này không xác định (có thể do di truyền, sức khỏe tâm lý và cảm xúc, hoặc do tác động xã hội) và cần bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác.
Tóm lại, việc ăn uống bất thường được gọi là ăn uống rối loạn, nhưng khi việc ăn uống rối loạn kết hợp cùng việc cảm xúc bất ổn, sức khoẻ tâm lý không ổn định trong một khoảng thời gian dài thì việc ăn uống rối loạn sẽ chuyển biến thành chứng rối loạn ăn uống.
Những dạng rối loạn ăn uống thường gặp
Có rất nhiều loại chứng rối loạn ăn uống, nhưng một số dạng thường gặp có thể kể đến là:
Biếng ăn tâm lý (Anorexia nervosa). Dạng này thường có thể xảy ra đối với tuổi vị thành niên và tuổi thanh niên. Những người bị biếng ăn tâm lý thường nghĩ rằng mình thừa cân, kể cả khi họ đang trong khoảng cân nặng nguy hiểm (quá thấp). Một số biểu hiện thường thấy: liên tục kiểm tra cân nặng, tránh ăn một số loại đồ ăn, và có chế độ ăn với lượng calo rất thấp. Họ thường ăn rất ít, hoặc nếu đã ăn quá thì sẽ buộc mình ói ra. Chứng bệnh này qua thời gian sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể do suy dinh dưỡng.
Chứng ăn – ói (Bulimia nervosa). Giống với biếng ăn tâm lý, dạng này thường xảy ra đối với lứa tuổi vị thành niên và thanh niên. Những người mắc dạng này thường xuyên ăn một lượng lớn bất thường đồ ăn, họ không biết được điểm dừng hay không kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào. Việc này có thể xảy ra với tất cả các loại đồ ăn, nhưng họ hầu như sẽ chọn loại đồ ăn mà họ thường ngày tránh. Sau mỗi lần ăn, những người mắc chứng ăn – ói sẽ cố gắng nôn để loại bỏ lượng calo đã hấp thụ, và để giảm bớt áp lực đối với dạ dày vì lúc này dạ dày đang bị quá tải. Nghe thì giống với chứng biếng ăn tâm lý, nhưng những người mắc dạng này thường ở mức cân bình thường (BMI ở mức bình thường) và họ tin rằng mình bị thừa cân. Việc ăn rất nhiều và ép nôn liên tục có thể gây ra tổn thương ở họng, vòm miệng, gây kích ứng ruột và trào ngược, v.v..
Ăn vô độ (Binge eating). Giống với hai dạng trên, những người mắc chứng ăn vô độ cũng có biểu hiện ăn một lượng lớn bất thường thức ăn vào mỗi lần ăn, nhưng họ không ép bản thân nôn hết những gì đã tiêu thụ. Họ luôn cảm thấy mặc cảm, có lỗi nhưng lại không thể kiểm soát được lượng đồ ăn tiêu thụ. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống ở dạng này thường có khả năng cao bị thừa cân và có thể là béo phì, đồng nghĩa với việc mắc các bệnh liên quan như các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, bệnh tiểu đường, v.v..
Những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến những chứng rối loạn ăn uống:
Food shaming là hành động đánh giá hay chỉ trích sự lựa chọn đồ ăn hay thói quen ăn uống, có thể với bản thân hoặc với người khác. Điều này xảy ra nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng, kể cả khi bạn cảm thấy đơn giản là mình muốn tốt cho người còn lại. Ví dụ, một người bạn trông thừa cân đang ăn bánh và bạn nói rằng “Ăn bánh nhiều đường không tốt đâu, sẽ béo phì đấy”. Mặc dù có thể câu nói ấy đến từ sự lo lắng đơn thuần, nó có thể tước đi sự thỏa mãn và hạnh phúc của đồ ăn đối với họ. Khi những đồ ăn họ yêu thích được liệt vào danh sách “đồ ăn xấu”, họ sẽ có những áp lực và ép buộc khi phải ăn những đồ “lành mạnh” hơn. Điều này có thể dẫn tới sự hình thành những hành vi ăn uống rối loạn: bởi vì ngừng ăn đồ mình thích nên khi thèm có thể sẽ bị ăn quá độ.
Body shaming là hành động đánh giá, chỉ trích, hay so sánh hình thể, có thể với bản thân hay với người khác. Mạng xã hội tạo ra một tiêu chuẩn không thực tế cho hình thể, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mỗi cơ thể đều đặc biệt và không thể giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, việc so sánh giữa cơ thể người này và người khác hay việc đặt một tiêu chuẩn chung cho nhiều người đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của họ (để trở nên phù hợp với “tiêu chuẩn tốt” của xã hội, họ phải giảm cân hay ngừng ăn).
Hãy cẩn thận khi muốn giúp đỡ những người mắc chứng rối loạn ăn uống bởi họ thường hay có cảm giác vô cùng bất an trước đồ ăn, hoặc vô cùng nhạy cảm đối với những lời đánh giá. Tuy vậy, họ là những người rất cần được giúp đỡ của những chuyên gia cũng như sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Vậy nên cũng đừng ngại ngần mà hãy giúp đỡ họ nhưng phải đúng cách.