Ba mẹ có biết: Bí quyết tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Trẻ nhỏ thường dễ bị bệnh khi đi mầm non. Đây là nỗi lo ngại lớn nhất của nhiều bố mẹ khi cân nhắc cho trẻ đến trường. Nhiều bé có tần suất bệnh dày đặc, không những tác động đến sức khoẻ, tăng trưởng của các bé mà còn xáo trộn toàn bộ cuộc sống – công việc của cả gia đình. Để bé sẵn sàng học tập, khám phá môi trường mới, bố mẹ hãy trang bị cho bé hệ miễn dịch tối ưu nhất.
1. Làm cách nào để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ?
Trong giai đoạn từ 2 – 5 tuổi, lứa tuổi trẻ phải đến trường mầm non, tiếp xúc với nhiều virus, vi khuẩn,… nên cần tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt, nhất là thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Ngoài ra, cần thực hiện việc tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi mỗi 6 tháng 1 lần nhằm giảm những tác hại do nhiễm giun gây ra, trong đó có tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bổ sung men và các vitamin cần thiết đối với những trẻ đang bệnh hoặc đang điều trị kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch.
2. Chế độ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch
Trong độ tuổi đến trường, trẻ vận động rất nhiều nên cần cung cấp chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng và dưỡng chất đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và miễn dịch phòng ngừa bệnh tật.
- Thịt cá: cung cấp chất đạm, nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp cho đảm bảo việc duy trì các chức năng của cơ thể; mang đến nguồn khoáng chất quan trọng như kẽm, selen, axit béo Omega-3 giúp tăng cường miễn dịch, chống viêm nhiễm.
- Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo), trứng: Là những nguồn cung cấp chất đạm, vitamin và các khoáng chất như sắt, kẽm.
- Các loại cá, hải sản: Thường có hàm lượng rất cao khoáng chất kẽm, iốt, selenium, những yếu tố cần thiết cho việc sản xuất và hoạt hoá những tế bào của hệ miễn dịch.
- Sữa chua: Bổ sung men vi sinh từ sữa chua vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, tăng cường miễn dịch giúp bé khỏe mạnh và ăn uống ngon miệng hơn.
- Trái cây: là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng dồi dào, giúp hệ miễn dịch làm việc hiệu quả, chống lại bệnh tật.
- Rau củ: Chế độ ăn nhiều rau củ quả vừa giúp thanh lọc cơ thể vừa tăng cường tính kiềm để ổn định độ PH, giúp duy trì khả năng bình thường của chức năng miễn dịch. Đặc biệt, các loại loại rau quả sậm màu, màu vàng, màu đỏ như các loại rau lá xanh đậm, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, bông bí, bầu, quả gấc, nho tím, dâu tây,… có hàm lượng cao vitamin C, A, beta- caroten và nhiều hợp chất chống oxy hóa khác giúp tăng cường khả năng chống bệnh tật.
- Ngũ cốc: Các loại hạt, đậu và ngũ cốc rất giàu chất xơ, vitamin A, B2, B6, C, kẽm, selen và các axit amin thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách hiệu quả. Ăn ngũ cốc thường xuyên không chỉ cải thiện cơ nhai của răng miệng mà còn giúp bé nạp đầy đủ dưỡng chất, khỏe mạnh và vui vẻ hơn.
3. Những lưu ý khác để con có hệ miễn dịch khỏe mạnh
- Ngủ đủ và ngon giấc để đảm bảo sự phát triển sức khỏe, tâm sinh lý và hệ miễn dịch của trẻ. Mỗi ngày, trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 12 – 13 tiếng, trẻ từ 4 – 6 tuổi cần ngủ khoảng từ 10 – 12 tiếng. Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ.
- Giữ vệ sinh cá nhân, chăm sóc răng miệng, mũi họng hàng ngày và thường xuyên lau dọn, sát khuẩn đồ chơi của trẻ.
- Tăng cường cho bé hoạt động thể lực, nhất là những nơi có môi trường trong lành, phơi nắng 20 phút vào mỗi buổi sáng. Tránh xa khu vực nhiều tiếng ồn và khói thuốc. Tránh thay đổi môi trường nóng lạnh đột ngột đối với trẻ.
- Chế biến thức ăn đa dạng, tránh nấu quá nhiều nguyên liệu vào cùng một món hay nấu một lần ăn nhiều bữa khiến thức ăn dễ mất chất, không còn thơm ngon làm trẻ chán ăn, thiếu dinh dưỡng.
- Phòng ngừa thiếu vitamin A bằng cách bổ sung vitamin A định kỳ 2 lần trong năm, vào ngày 1 – 2/6 và tháng 12 hàng năm.
- Tiêm chủng đầy đủ để cơ thể có kháng thể phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến.
Mong thông tin bài viết mang đến giá trị cho người đọc!